Thứ Bảy, 19 tháng 10, 2013

Hội húc cầu gỗ ở Xuân Dục - Hà Nội?

Hằng năm, làng mở hội tưởng niệm các vị Quốc Tổ vào ngày 12 đến 14 tháng mười (âm lịch). Lễ vật chỉ có oản quả đặt lên kiệu bát cống rước từ chùa về đình. Hội xưa có nhiều trò chơi: ban ngày có múa rối, bắt phỗng, bịt mắt bắt dê; buổi tối có hát tuồng, chèo. Vào ngày mồng 3 Tết, ở Xuân Dục còn có hội húc cầu gỗ.

Làng Xuân Dục Đông, xa xưa có tên gọi Xuân Đán Trang nay thuộc xã Tân Minh, huyện Sóc Sơn, Hà Nội. Xuân Dục là điểm tụ cư của người Việt cổ, là điểm nối giữa vùng đất tổ Phong Châu với vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng. Đình Xuân Dục thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ.

Huyền thoại xưa kể rằng, vào thời Hùng Vương, có một cánh quân của Thánh Gióng do tướng Hữu Lâm chỉ huy, một buổi chiều giáp Tết hành quân qua Xuân Đán Trang. Vị chủ tướng thấy nơi đây có rừng già, phong cảnh đẹp bèn cho quân dừng chân nghỉ lại. Để quân dân cùng vui, dân làng đem cơm nắm, cà muối ra thết nghĩa quân (nay ở Xuân Dục còn có địa danh Rừng Cơm). Các phụ lão ở đây còn kể, lúc các chiến sĩ đi chơi xuân, thấy trẻ mục đồng túm năm tụm ba, bèn nghĩ ra trò chơi húc cầu. Lúc đầu quả cầu được tạo bằng củ chuối lá mọc giữa rừng có đường kính khoảng 30cm. Dụng cụ để cướp cầu là một que tre ở đầu có móc nhọn. Sau khi que tre gãy người ta dùng sức người để đẩy. Ai khéo dùng mẹo lừa cướp được cầu đẩy vào lồ phía bên kia là thắng cuộc. Nhưng quả cầu làm bằng củ chuối không để được lâu, người ta nghĩ ra cách chế quả cầu bằng gỗ lục thông (cây thông to ở rừng) đường kính khoảng 50cm nặng 60-70kg sơn mầu đỏ.
hội húc cầu gỗ ở xuân dục
Làng Xuân Dục có bốn giáp chia thành hai đội (nhân dân địa phương gọi là tứ giáp lưỡng đoàn). Mỗi đội cử 10 trai đinh khỏe mạnh. Chỉ huy mỗi đội là một ông cai. Giáp Đông, giáp Điềm giữ lồ phía đông; giáp Đoài, giáp bắc giữ lồ phía tây. Cuộc chơi diễn ra trên một thửa đất 5 sào trước cửa đình. Chiều mồng 3 Tết, lễ đào lồ diễn ra hết sức trang nghiêm. Theo tục lệ ở đây, lễ đào lồ đồng thời cũng là lễ động thổ. Từ đây, có việc cần thiết phải ra đồng, người ta được tự do cày cuốc không còn phải kiêng cữ. Hai lồ nằm theo hướng đông - tây. Mỗi lồ sâu 0,5m rộng 0,8m. Lồ nọ cách lồ kia 25m. Cùng với lễ động thổ, các chức sắc còn tổ chức lễ vớt cầu từ Ao Tiên, rửa sạch, lau khô rồi đặt lên chiếu hoa trước hậu cung đình. Lúc ấy, trên ban thờ đã bày biện cỗ chay gồm: bánh dày, bánh rán, bánh khảo cùng một buồng chuối lá. Tục truyền, bánh dày tượng trưng cho cơm nắm, bánh rán tượng trưng cho cà ghém mà thuở xưa dân làng đã úy lạo quân ông Gióng. Lễ thần xong, đêm mồng 3 Tết, ông từ cùng các phụ lão phải đèn nhang thờ phụng và canh quả cầu suốt đêm.

Sáng mồng 4 Tết, sau khi các quan viên hương lão tế thần xong lúc 10 giờ thì hai đội tiến ra sân đình lễ vua. Các cầu thủ quấn khăn đầu rìu, thắt lưng đỏ xếp hàng chờ cụ chủ tế đánh hai tiếng trống thì chắp tay lên ngực, đánh ba tiếng trống mọi người cùng lễ vua cho đều. Sau lễ trình là cuộc đấu sức đua tài diễn ra hết sức sôi nổi, hào hứng. Điều hành cuộc chơi là cụ chủ tế còn người đánh trống chầu là hai ông đăng cai thay phiên nhau. Trong tiếng trống thì thùng khoan nhặt, khán giả đủ các lứa tuổi tha hồ mà chen chúc xô đẩy, miệng hò reo cổ vũ ầm ĩ. Trong khi đó, các cầu thủ tìm mọi cách trườn bò, luồn lách cốt sao đẩy được quả cầu gỗ trúng lồ phía bên kia. Mẹo chơi duy nhất là một người ôm chặt quả cầu, ba bốn người cùng đội tập trung sức lôi phốc cả người ôm cầu chạy nhanh về lồ phía kia. Nhưng trước sự cảnh giác của đội bạn, cánh "lừa" trên không phải bao giờ cũng giành được thắng lợi. Cuộc đua tranh được dừng ngay khi có bên thắng bên thua. Nhưng tới 4 giờ chiều vẫn không phân thắng bại thì cuộc đua vẫn kết thúc. Cụ chủ tế lấy một cành lá tươi (làng gọi là cây nêu) đánh dấu chỗ quả cầu đang đậu và lấy lễ vật trên ban thờ phân phát cho mọi người.
hội húc cầu gỗ ở xuân dục
Sáng mồng 5, mọi nghi lễ lại được tiến hành như ngày mồng 4. Vào chiều ngày 5, sau khi lễ tạ và phát lộc, cụ chủ tế còn lấy buồng chuối lá từ ban thờ thần tung mạnh ra giữa sân. Mọi người dự hội lại được dịp xô lấn, cướp và giật. Ai cướp, bẻ được nhiều quả thì năm đó người ta tin là sẽ gặp được nhiều may mắn.

Cũng buổi chiều ngày mồng 5, sau khi ba quả cầu trở lại nằm dưới Ao Tiên thì cũng là lúc các trai đinh về nhà chuẩn bị khăn áo để 3 giờ sáng hôm sau, họ đốt đuốc rước kiệu hoa trúc về đền Sóc Sơn lấy lộc. Hoa trúc được chế từ những thanh tre dài 0,7m, bông tua được nhuộm vàng, nhuộm đỏ. Bó hoa trúc có từ 150 đến 200 bông. Dự lễ xong, kiệu làng Xuân Dục rước ra đến giữa sân đền Sóc. Nam thanh nữ tú ở khắp nơi về dự hội hô nhau xô vào cướp. Và ai cũng cố cướp được ít nhất là một bông. Người ta tin rằng, đi hội mà cướp được hoa trúc thì năm đó bản thân gặp nhiều hạnh phúc, may mắn.

Hội húc cầu gỗ ở Xuân Dục thể hiện ước mong từ ngàn đời của người dân chuyên trồng lúa nước: mong mưa thuận gió hòa; quả cầu đỏ tượng trưng cho mặt trời chuyển động từ đông sang tây. Người Xuân Dục lấy sự thắng, thua của hội như là một sự dự báo thời tiết trong năm:

- Bên tây thua báo hiệu vụ mùa khó khăn, nước ít, sâu bệnh nhiều.
- Bên đông thua là năm đó được mùa, nước nôi đầy đủ, không sâu bệnh
- Hai bên hòa là năm đó khí hậu bình thường, dân làng tha hồ sản xuất và chăn nuôi.

Trong những năm chống thực dân Pháp, đình Xuân Dục Đông đã bị giặc phá hủy để chúng lấy gạch đi xây bốt Núi Đôi. Dân làng chỉ còn giữ được ba quả cầu ở Ao Tiên. Sau năm 1954, đình Xuân Dục đã được dựng lại. Hằng năm, hội húc cầu ở đây vẫn được tổ chức trước sân đình.

Xuân Dục, mảnh đất lịch sử - ở đó không chỉ có "Núi chồng núi vợ đứng song đôi" mà còn có hội húc cầu độc đáo mỗi năm Tết đến Xuân về thu hút hàng nghìn người đến dự.
Nguồn: http://manghoidap.vn/Hoi-huc-cau-go-o-Xuan-Duc-Ha-Noi-12775.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét