Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Lễ cơm mới của người Gia - Rai - Gia Lai?

Vào khoảng tháng 8, tháng 9 hàng năm, thời điểm bắt đầu vào mùa khô, các vạt lúa trên rẫy đã bắt đầu chín, báo hiệu bước vào vụ thu hoạch đó chính là lúc buôn làng Gia - Rai tổ chức Lễ Cơm Mới, cầu mong cho ruộng nương ngày càng nhiều thóc lúa.
Dân làng Gia-Rai Lễ cơm mới là để tỏ lòng biết ơn Yàng (Trời) đã cho mưa thuận gió hoà, ngăn dịch bệnh, muông thú phá hoại cây lúa và cầu xin Yàng giúp cho mùa lúa năm sau tươi tốt hơn.

Để có cơm cúng Yàng, người Gia-Rai phải chuẩn bị rất công phu. Từ lúc làm rẫy, chủ nhà phải chọn một vạt đất nhỏ màu mỡ, tương đối bằng phẳng để gieo lúa. Vạt đất đó gọi là “đất thiêng”, ngoài người chủ gia đình không ai được bước chân vào, kể cả khi thấy muông thú đến phá cũng chỉ đứng ở đằng xa xua đuổi chứ không được lại gần. Giống lúa gieo ở “đất thiêng” phải là giống tốt, gạo ngon và nấu cơm phải dẻo thơm nhất. Gieo hạt xong phải chăm sóc chu đáo để cây lúa phát triển tốt. Khi lúa vừa chín, chủ nhà chọn một chiếc gùi mới, đẹp và chắc chắn nhất do chính mình đan để thu hoạch lúa. Lúc tuốt lúa chỉ dùng tay, không được dùng bất cứ phương tiện nào khác.
lễ cơm mới của người gia rai
Người Gia-Rai quan niệm rằng làm như thế mới chứng tỏ lòng thành thật với Yàng. Sau khi thu hoạch về phải phơi thật khô, sẩy sạch. Lúc giã gạo không được làm mất đi lớp vỏ lụa của gạo để khi nấu, cơm có mùi thơm nức. Kể từ khi lúa được tuốt cho tới khâu chế biến khác để thành cơm cúng, nguyên liệu phải được đặt nơi cao ráo, sạch sẽ, nếu không sẽ mất đi sự linh thiêng.
Lễ vật cúng ngoài cơm còn có rượu cần, gà, heo, thịt thú rừng và trong lễ cơm mới người Gia-rai thường tổ chức lễ hiến trâu. Chuẩn bị xong lễ vật, già làng-chủ lễ sẽ tiến hành làm lễ. Ông lấy máu con vật hiến tế bôi lên kho lúa, miệng vò rượu và cần hút rượu, đồng thời dùng rượu đổ ra rẫy, đổ lên kho lúa với quan niệm để cho rẫy và kho lúa cùng chia vui với mọi người.
Tiếp sau đó chủ lễ quỳ xuống dâng bát cơm hoặc nắm cơm mới lên ngang ngực, mắt hướng lên trời, mời chủ nhà ra nhận lễ rồi khấn. Lời khấn Yàng của người Gia-rai như sau: “Ơ... ơ Giàng! Giàng Lúa, Giàng Nước, Giàng Núi... Cảm ơn Giàng đã cho cây lúa già, hạt lúa nhiều, hạt lúa chắc... Giàng hãy bảo con chuột, con chim... không được cắn lúa. Giàng hãy bảo hồn lúa đừng sợ. Giàng hãy bảo hồn lúa về với gia đình...”.
lễ cơm mới của người gia rai
Cúng xong, những thành viên trong gia đình cầm một cành lá nhỏ nhúng vào bát rượu rồi đi vẩy lên người nhau, lên vạt rẫy, lên giàn chuông, bếp lửa, kho lúa, cầu thang... tỏ ý chúc sức khoẻ lẫn nhau và cùng nhau hưởng những phần Yàng cho. Lúc bấy giờ các vò rượu đã được xếp thành hàng, người già uống trước, người trẻ uống sau và cứ thế, cuộc vui thâu đêm. Theo nhịp cồng chiêng, người ta nối đuôi nhau xoang (múa) theo vòng tròn ngược chiều kim đồng hồ.

Lễ cơm mới (hay còn gọi là lễ ăn cốm mới) diễn ra liên tục trong nhiều ngày, không chỉ bó hẹp trong phạm vi gia đình mà là lễ hội của mọi người trong buôn làng, không chỉ thu hút mọi người trong một buôn làng mà cả các cộng đồng lân cận. Ở đây phần lễ và phần hội hoà quyện vào nhau đã đáp ứng nhu cầu về tâm linh và vui chơi, giải trí của người Gia-Rai./.
Nguồn: http://manghoidap.vn/Le-com-moi-cua-nguoi-Gia-Rai-Gia-Lai-12701.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét