Thứ Hai, 14 tháng 10, 2013

Lễ cơm mới người Thái ở Mai Châu - Hòa Bình?

Năm nào cũng vậy, lễ cơm mới của người Thái ở Mai Châu được tổ chức một lần vào tháng 8 âm lịch. Không định ngày tuỳ theo điều kiện của từng gia đình mà làm lễ cơm mới to hay nhỏ.

Đây là lễ có tính chất gia đình nhưng lại là một lễ hội thực sự vì nó được tổ chức phổ biến khắp vùng có người Thái sinh sống. Tuy là lễ của một gia đình nhưng họ hàng đến dự rất đông, thậm chí còn có sự góp mặt của đông đảo hàng xóm nên lễ cơm mới đã trở thành ngày hội. Lễ cơm mới của mỗi dòng họ thường do trưởng họ đứng ra làm.

Trước ngày làm lễ, chủ nhà phải đi mời ông mo luông (ông mo có uy tín) được ông mo nhận lời về nhà chuẩn bị làm lễ. Cô con dâu cả trong nhà đi mời cô gái chưa chồng (sao hàm) đến giúp việc. Ngoài ra, chủ nhà còn mời những người khác để làm những việc phục vụ cho   ngày lễ gồm những người trong họ hàng, những già bản (tháu kè), thanh niên, trai gái (sao chở, bào chở) để đánh trống, chiêng và đánh máng (keng loóng).
lễ cơm mới người thái ở mai châu
Sáng sớm hôm làm lễ, cô dâu cả cùng cô gái giúp việc xuống sân lấy hai cụm lúa (bó lúa đã đặt sẵn) gánh lên nhà đặt trước bàn thờ, báo cho tổ tiên biết mùa màng đã thu hoạch và xin phép được ăn cơm mới, tỏ ý không dám ăn trước tổ tiên. Khấn báo xong, hai người lấy bó lúa xuống sân lại làm động tác gánh lên nhà, bỏ lên gác bếp cho khô rồi mang xuống máy gỗ giữa sân giã ra hạt thóc, bỏ vào cối giã gạo, xong rồi mang lên nhà ngâm vào ang, sau đó đem đồ chín. Tất cả những động tác này làm tượng trưng theo nghi lễ, còn mọi thứ chuẩn bị cho lễ đã được chuẩn bị từ những hôm trước rồi.

Sau khi xôi đồ, cá đồ chín xong, người sắp xếp mâm cỗ là vợ chồng con trai cả. Mâm cỗ được bày biện đẹp mắt, trên mâm được lót lá chuối, nắm xôi thành một vòng tròn quanh mâm tượng trưng cho bờ ruộng. Sau đó, đổ xôi vào giữa theo hình quả đồi bát úp, lấy một nắm xôi nặn hình chảo, úp tiến lên, chín miếng gừng thái lát đặt trên “núi”. Gói mọc cá đặt lên sườn núi, riêng gói chính (mọc cọc, buộc chín lạt) đặt trên đỉnh. Mọc cá được trộn với bột nếp cùng gia vị, đặt giữa lá chuối, buộc túm lại hấp chín. ở người Thái, lễ cơm mới chỉ dùng cá để cúng thờ, tránh thịt gia súc, gia cầm nuôi trong nhà vì họ cho rằng đến mùa lúa, những con vật này cũng ăn thóc như người.

Trong lễ cơm mới, một chị người Thái kể lại rằng: Sự tích về lễ cơm mới là có nàng dâu hiếu thảo, trước ngày gặt lúa thì bố chồng mất. Đêm đó, nàng bàn với chồng đi gặt lúa cúng cơm mời vong hồn bố ăn. Nhà quá nghèo chỉ có một con gà mái đang nuôi nhưng họ quyết định thịt con gà mái cúng bố. ở dưới gầm sàn, mẹ con gà nghe thấy hết câu chuyện của vợ chồng chủ liền oà khóc chiêm chiếp, nức nở. Vợ chồng người chủ nghe những lời từ biệt não nề, sầu thảm của mẹ con gà mà động lòng thương xót. Người chồng quyết định không giết con gà nữa mà hứa sẽ đem chài ra suối bắt cá về cúng bố. Từ đó thành lệ, lễ cơm mới chỉ dùng cá và thịt thú rừng.

Ngoài ra, còn có hai bát canh măng chua nấu với cá, năm đôi đũa tre, một vò rượu cần, vuông vải trắng tự dệt, vải thổ cẩm, vòng tay bằng bạc, một bộ áo mới của chủ nhà (người con trai cả) con cháu mang đến mỗi người một bộ quần áo, đĩa trầu cau têm sẵn, chai rượu tự cất.
lễ cơm mới người thái ở mai châu
Mâm cỗ đặt trên một cái mâm tre hình chữ nhật dài 1m, rộng 60cm, cao 1m. Bắt đầu từ cửa vào nhà, người con trai trưởng nhấc mâm cỗ tiến từng bước đi về bàn thờ tổ tiên. Nếu “mọc cộc” buộc chín lạt thì bước chín bước, năm lạt thì bước năm bước, ba lạt thì bước ba bước. Số lạt buộc ở đây để phân biệt đẳng cấp xã hội. Dòng họ Tạo Phìa (dòng họ quyền thế trước đây) buộc chín lạt. Dòng họ Khà Khum (cũng thuộc họ Hà Công của Tạo Phìa) do lép vế, sống như cuộc sống dân thường được buộc năm lạt. Các dòng họ thường dân chỉ được phép buộc ba lạt.

Khi cỗ được bày xong, ông mo bắt đầu cúng. Đầu tiên ông khấn gọi mo tảy (thần của thầy mo) vị thần này do then luông, ông vua lớn nhất của Mường trời trao cho những người làm thầy mo ở hạ giới để hành nghề. Trước khi hành lễ, thầy mo phải xin mo tảy nhập vào mình, cũng là xin phép then luông  để làm việc. Mo tảy cũng phải có mâm cỗ riêng: xôi, gà, rượu, vải, tiền. Xong nghi lễ đầu tiên này cũng vừa hết buổi sáng, mọi người nghỉ ngơi ăn cơm trưa để chuẩn bị vào phần chính của lễ cơm mới.
Phần chính của lễ này có hai nội dung: nội dung thứ nhất là ông mo kể trước bàn thờ một bài mo dài suốt một ngày đêm, mọi người ngồi nghe rất đông, chật cả sàn nhà. Nội dung thứ hai là các cuộc xoè, múa, hát đối đáp (khắp tua) đánh trống chiêng và đánh máng (keng loóng).

Ông mo kể như hát, ông gọi các bậc tổ tiên từ trên trời xuống, từ mộ về, từ bệ thờ ra cùng ngồi với con cháu vui mùa lúa mới. Sau đó ông kể tại sao có cá, có cơm. Tại sao trời hạn hán, lũ lụt, kể đến sự vật lộn với thiên nhiên để giành lấy cuộc sống ấm no. Mo còn kể những cuộc đấu tranh xua đuổi những cái ác, cái xấu ra khỏi nhà, khỏi bản, đem lại cuộc sống tốt lành cho mọi người.

Cho đến bây giờ, lễ cơm mới thực sự là một cuộc sinh hoạt văn hoá hấp dẫn và lý thú của người Thái Mai Châu. Du khách đến tham quan du lịch vào thời điểm này còn được chiêm ngưỡng những cuộc múa xoè, múa trống chiêng và đánh máng của trai, gái bản. Cuộc vui này không chỉ  bó hẹp trong gia đình, dòng họ mà còn thu hút cả bản Mường cùng tới nghe kể mo và múa hát. Trai gái nhảy múa say sưa suốt đêm, hát hò qua đêm đến sáng.
Nguồn: http://manghoidap.vn/Le-com-moi-nguoi-Thai-o-Mai-Chau-Hoa-Binh-12881.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét