Thứ Ba, 22 tháng 10, 2013

Lễ hội Bà Triệu - Thanh Hóa?

Lễ hội Bà Triệu được tổ chức vào các ngày 20 - 23/02 âm lịch hàng năm tại xã Triệu Lộc - Hậu Lộc - Thanh hoá. Lễ hội được tổ chức để tưởng nhớ tới vị anh hùng Triệu Thị Trinh - người đã lãnh đạo nhân dân đứng lên chống lại ách đô hộ của nhà Ngô vào năm 248.
Lễ hội được tổ chức với quy mô lớn trên một không gian rộng theo quy trình đền, lăng, đình. Các điểm di tích ấy đều diễn ra tế lễ với nghi thức trang trọng vừa truyền thống vừa kết hợp với lễ hội đương đại. Riêng đình làng Phú Điền có tổ chức nghi thức hội “ Ngô, Triệu “giao quân”
Tại đền Bà Triệu chủ yếu là tế lễ, như rước kiệu, tế nữ quan. Trong phần hội không có trò diễn dân gian mà chỉ có Hội trận, khơi dậy, liên tưởng đến hào khí chống quân Ngô của bà..Tiếp sau những đại lễ, rước kiệu…còn có hát chầu văn, một hình thức âm nhạc truyền thống trong ngày lễ rất linh thiêng.
lễ hội bà triệu
Ngoài các nghi thức lễ trên còn có lễ Mộc dục. Đây là một nghi thức lễ được nhân dân địa phương rất chú ý, thận trọng, chọn ngày tốt để hành lễ, thường là ngày 18, 19 tháng 2 âm lịch ở cả 2 nơi đền và đình làng, do ông từ cả và 3 ông từ phụ chịu trách nhiệm. Tiếp đó là tế Phụng Nghinh. Tế Phụng Nghinh là thủ tục mời vua Bà cùng lục bộ triều đình, hội đồng các quan, thánh tổ bách gia về trong ngày huý kỵ Vua Bà, là ngày rất trang nghiêm và linh thiêng, thời gian tế nửa ngày. Việc rước bóng, trong ngày hội là một thể thức hết sức quan trọng, người ta đặt bát hương Vua Bà lên kiệu cùng với hộp tư trang, đĩa trầu cau. Có 8 chàng trai được chọn lọc, đức độ, sạch sẽ, gia đình không có việc tang, việc xấu. Các chàng trai khênh kiệu (có 8 đòn) mặc áo đỏ cộc tay, thắt lưng màu đỏ đầu chít khăn đỏ, quần trắng, chân đất. Người chủ tế đi dưới gầm kiệu. Tiếp theo có kiệu song loan, trên kiệu có áo chầu và các hộp sắc phong, có 8 người khiêng. Nghi thức đi đầu có một hương án có 2 người vác lọng che hương án, trên kiệu có bát hương, trầu cau hoa quả. Sau hương án là phường bát âm cử nhạc lưu thuỷ, có trống, chiêng và có 32 người thực hiện các nhiệm vụ vác gươm, vác bát bửu, dùi đồng. Cứ như thế các đoàn vác cờ hội, kiệu song loan, người đi cùng đoàn rước kiệu ăn mặc chỉnh tề khăn nhiễu, quần trắng, áo lương. Đạo hành từ đền chính đến Lăng rồi về Đình làng. Đến Lăng kiệu được đặt trên giá đỡ và làm thủ tục nghi thức khấn đức Bà, nhân ngày huý kỵ, với tấm lòng thành kính của các con cháu thập phương nhớ công ơn Bà. Đoàn cử hành về đình làng, kiệu, bát hương bóng Bà đặt giữa đình và tiếp tục tế lễ một ngày một đêm gồm các tế yên vị, tế tam sanh. Sau đó đòn rước tế theo lộ trình về Đình Chính để làm Vua Bà trong hai ngày 22 và 23 tháng 2 âm lịch.
Ngày 23 tháng 2 thuộc vào các ngày chính kỵ, ngày này không tế mà chỉ làm lễ , có một số lễ vật như 100 trứng sống, 100 quả dưa chuột, 3 bát cơm gạo trắng, 3 quả trứng luộc, bánh dày, bánh gai, bánh trưng, bánh mật…
Lễ hội thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn, tôn vinh khí phách anh hùng của hậu thế đối với Bà Triệu - người nữ anh hùng của nhân dân Xứ Thanh.
Nguồn: http://manghoidap.vn/Le-hoi-Ba-Trieu-Thanh-Hoa-12666.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét