Thứ Năm, 17 tháng 10, 2013

Lễ hội cố đô Hoa Lư - Ninh Bình?

Lễ hội truyền thống Cố đô Hoa lư (xưa thường gọi là hội Trường Yên, hay hội Cờ Lau) diễn ra vào các ngày 6,7,8 tháng 3 âm lịch hàng năm. Lễ hội được tổ chức tại khu di tích lịch sử văn hoá cố đô Hoa Lư (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) nhằm suy tôn công lao các anh hùng dân tộc đã xây dựng kinh đô Hoa Lư, lập ra nhà nước Đại Cồ Việt thế kỷ X mà tiêu biểu là hai vị vua Đinh Tiên Hoàng và Lê Đại Hành.
Giống như các lễ hội truyền thống khác, Lễ hội cố đô Hoa Lư gồm 2 phần: phần lễ và phần hội
Lễ Rước nước: Mở đầu là lễ Rước nước, Đoàn người khởi hành từ đền vua Đinh đến kiệu Long Đình trên có đặt một cái ché để đựng nước Thánh đến bên sông Hoàng Long thì dừng lại lấy nước vào ché đem về đền.
lễ hội cố đô hoa lư
Đoàn rước đi theo thứ tự dẫn đầu là những người mang cờ ngũ sắc các loại, đi hàng đôi. Kế tiếp là phường nhạc bát âm, phường trống. Tiếp đến là một kiệu bát cống lớn có hương án do tám nam thanh niên trong trang phục lính tráng nhà Đinh xưa khoẻ mạnh khiêng, tiếp theo là các vị quan khách, đại biểu trung ương, địa phương. Rồi tiếp đến là những kiệu bát cống có tán do các trinh nữ mang các lễ vật. Đoàn người đi sau là các bô lão, những đội tế nữ quan của nhiều địa phương xa gần, nhân dân và du khách.
Lễ tế: Ngay sau khi đoàn rước nước trở về sân khấu trung tâm lễ hội, tại đàn tế của khu di tích là nơi khởi điểm phần lễ tế. Sau lời diễn văn khai mạc là màn trống hội Hoa Lư, các màn diễn tái hiện lịch sử kinh đô Hoa Lư cho tới hết buổi sáng khai mạc. Lễ tế được tiến hành sau đó cả ban ngày và ban đêm ở cả đền vua Đinh và vua Lê với nội dung ca ngợi công đức của hai vị vua, sau đó khách hành hương vào thắp hương tưởng niệm và tri ân ngưỡng tượng thờ, các công trình điêu khắc và kiến trúc xưa. Tham gia lễ tế có nhiều đoàn trong vùng.
Phần hội với các trò chơi dân gian gắn với những truyền tích của hai vị Vua như cờ lau tập trận, múa rồng, cắm trại, thi hành quân nấu cơm, thi múa kiếm, võ tay không, thi nấu cơm, thi hát hội, kéo co và đặc sắc có lẽ là màn xếp chữ. "Thái Bình" niên hiệu của Đinh Tiên Hoàng khi ông lên ngôi trị vì thiên hạ, cũng là tên gọi đầu tiên của đồng tiền Việt Nam. Màn xếp chữ lôi cuốn du khách không phải ở thông điệp "Thái bình" của một ông vua phong kiến mà còn ấn tượng bởi 120 thiếu nữ mặc áo tứ thân xanh tay cầm cờ đỏ, kéo cờ lên, hạ cờ xuống theo nhịp trống kết thành chữ linh thiêng. Đến với lễ hội Cố đô Hoa Lư, du khách còn được xem màn thi người đẹp, thi hát chèo, những làn điệu ngọt ngào cũng với kèn phách xênh xang trong mấy ngày hội, đủ để níu chân du khách thập phương dùng dằng chẳng muốn rời.
Nguồn: http://manghoidap.vn/Le-hoi-co-do-Hoa-Lu-Ninh-Binh-12986.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét