Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Lễ hội Dúi cầu mùa - Gia Lai?

Lễ hội Dúi cầu mùa cộng đồng người Ba Na được tổ chức vào cuối mùa khô, đầu mùa mưa, lúa vừa bắt đầu trổ bông (khoảng tháng 5 dương lịch), tại xã Kon Pne, huyện Kbang.

Lễ hội Dúi chỉ có ở duy nhất trong cộng đồng dân tộc Ba Na ở xã Kon Pne. Đồng bào Ba Na xem con dúi là biểu tượng của sự cần cù và siêng năng nên cả năm sẽ không bị đói. Thời điểm diễn ra lễ hội, chủ gia đình đại diện gia đình mình mang lễ vật đến nhà rông của thôn bản để cúng Giàng, cầu mong được mùa bội thu, các con vật không về nương rẫy phá hoa màu.

Thông qua lễ hội người Ba Na muốn giáo dục con cháu trong thôn bản phải chăm chỉ làm ăn mới mong có được một cuộc sống no đủ. Không vi phạm pháp luật, tránh xa những thói quen xấu như trộm cắp, ăn chơi sa đọa…
lễ hội dúi cầu mùa
Lễ hội diễn ra trong 2 ngày đêm, nhưng để chuẩn bị cho lễ hội phải mất 7 ngày.

Trước một tháng diễn ra lễ hội, mỗi gia đình trong các buôn, làng đi tìm một con dúi (một giống chuột núi) và chuẩn bị một ghè rượu cần. Đây là 2 lễ vật không thể thiếu để gửi đến Giàng trong Lễ hội Dúi

Trong ngày lễ hội, mọi thứ được trang trí công phu. Một cây nêu được dựng lên giữa sân nhà rông, con dúi sau khi luộc chín sẽ được cắm vào một cái que từ đuôi lên đến đầu rồi treo lên cây nêu dựng giữa sân nhà rông. Con dúi của gia đình nào, gia đình đó cắm que đánh dấu.

Các ghè rượu cần làm từ men của các loại cây rừng được bày ra từng hàng ngay ngắn giữa sân nhà rông. Mỗi ghè rượu được bày xen kẽ với một con dúi. Phía dưới và khu vực xung quanh trang trí các con vật linh thiêng và vẽ những hình ảnh mang tính chất tín ngưỡng của cộng đồng Ba Na .

Sau khi trang trí và chuẩn bị xong những lễ vật cần thiết, già làng tiến hành cúng Giàng theo nghi lễ của người Ba Na. Mọi người trong bản tập trung về nhà rông để nghe già làng cúng và cùng cầu nguyện cho mùa màng của gia đình mình bội thu. Sau nghi lễ cúng của già làng là các tiết mục văn nghệ.
lễ hội dúi cầu mùa
Qua một đêm cúng ở nhà rông, đến trưa ngày hôm sau con dúi sẽ được xẻ thịt để mọi người cùng ngồi bên nhau uống với rượu cần, khi đó mọi người sẽ trao đổi với nhau những kinh nghiệm làm ăn để sản xuất, cải thiện đời sống. Khi uống hết ghè rượu cần này thì mỗi hộ gia đình lại góp thêm một ghè rượu cần nữa để tiếp tục uống cho đến hết ngày hôm sau.
Buổi tối hôm đó, mọi người sẽ chuyển về nhà mình tiếp tục làm lễ mong Giàng phù hộ cho mùa màng. Thịt con dúi của mỗi gia đình sẽ được xẻ ra chia phần cho mỗi gia đình trong thôn.

Lễ hội Dúi có ý nghĩa quan trọng trong đời sống tâm linh. Đây là nét văn hoá truyền thống của dân tộc của người Ba Na ở Kon Pne./.
NGuồn: http://manghoidap.vn/Le-hoi-Dui-cau-mua-Gia-Lai-12703.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét