Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Lễ hội đền Bắc Cung - Vĩnh Phúc?

Lễ hội đền Bắc Cung hay còn gọi là lễ hội đền Thính được tổ chức từ ngày mùng 6 đến ngày mùng 9 tháng Giêng âm lịch hàng năm. Lễ hội nhằm tưởng nhớ Đức thánh Tản Viên, người anh hùng có công khai điền trị thuỷ từ thuở Vua Hùng dựng nước.
Đền Bắc Cung nằm ở xã Tam Hồng huyện Yên Lạc tỉnh Vĩnh Phúc. Đền thờ đức thánh Tản Viên (một trong tứ bất tử của tâm thức người Việt Nam). Tương truyền, Thánh Tản Viên tên thật là Nguyễn Tuấn, con một vị trưởng lão họ Nguyễn ở Sơn Tây. Năm 6 tuổi thì cha qua đời, 2 mẹ con đến ở nhờ nhà bà Ma Thị Cao (con thần núi Tản Viên). Một hôm, Nguyễn Tuấn lên núi đốn củi gặp thần Thái Bạch, thấy cậu bé khôi ngô, tuấn tú, thần đã trao cho cây gậy thần và dạy câu thần chú để cứu đời. Sau này chàng có công cứu con Long Vương thoát chết và được Long Vương đền ơn biếu cuốn sách có thể hiểu mọi lẽ huyền vi của trời đất. Biết chàng là người có tài, có hiếu, trước khi qua đời, mẹ nuôi đã trao cho chàng cai quản muôn vật ở núi Tản Viên. Khi Vua Hùng kén rể cho công chúa Mị Nương, Nguyễn Tuấn nhờ có sách quý và gậy thần đã kiếm được sính lễ mang đến trước Thủy Tinh và cưới được Mị Nương. Sau chiến thắng Thủy Tinh và quân Thục, biết chàng là người có tài, Hùng Vương đã trao quyền trị nước cho Nguyễn Tuấn, nhưng chàng từ chối và xin vua cha cho đi du ngoạn khắp nơi giúp dân. Khi đi qua vùng Tam Hồng, thấy cảnh sơn thủy hữu tình, Ngài đã dừng chân, dạy dân trồng lúa, đánh cá, sản xuất nông nghiệp. Ghi nhớ công đức của Ngài, nhân dân Tam Hồng dựng một ngôi đền thờ gọi là đến Thính, xây ở phía Bắc núi Ba Vì và châu thổ sông Hồng nên có tên là đền Bắc Cung (một trong “Tứ cung” thờ Đức thánh Tản Viên). Thần núi Tản Viên hết sức linh ứng, khi nào nhân dân cầu mưa, cầu nắng cho mùa màng đều được ứng nghiệm. Mỗi khi lạnh trời, thánh Tản Viên thường hiện hình ở các khe suối, lại đem theo cây gậy thần cứu chữa bệnh cho người nghèo khổ, đi đến đâu, Ngài cho hiện ra đền đài để nghỉ ngơi.  Để ghi nhớ công lao của Tản Viên Sơn Thánh, tại vị trí này nhân dân Tam Hồng dựng một ngôi đền để thờ phụng gọi là đền Bắc Cung.
lễ hội đền bắc cung
Lễ hội gồm hai phần: Phần Lễ và Phần Hội
Trong phần lễ, nhân dân Tam Hồng tổ chức rước kiệu từ các đình Phù Lưu, Man Để, Tảo Phú, Lâm Xuyên, Nho Lâm lên đền. Mỗi làng đều có Ban tế gồm: Chủ tế, Đông xướng, Tây xướng, Bồi tế và người hầu chủ tế cùng bộ phận chấp kích. Chủ tế phải là người trên 60 tuổi, phải có con, cháu đầy đủ cả trai, gái. Lễ tế phải có một thủ lợn, mâm xôi và hoa quả do nhân dân các làng làm ra. Chủ tế thay mặt người dân trong làng dâng hương, nước, rượu, lễ vật và đọc văn tế xin Đức thánh Tản Viên cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, nhân dân no ấm.
Sau phần lễ là phần hội. Hội đền Bắc Cung được tổ chức với rất nhiều hoạt động phong phú như các trò chơi dân gian: chọi gà, đấu vật, đánh cờ người, đu cây, kéo co, bóng chuyền. Các cuộc thi múa hát dân ca, dân vũ của các làng, trống hội. Nhân dân trong vùng và khách thập phương từ mọi miền Tổ quốc về hội đền Bắc Cung rất đông, mỗi năm có trên một triệu lượt khách thập phương đến vãn cảnh, bình an, hạnh phúc. Nhân dân Tam Hồng mỗi khi xuất hành đi xa, hay xây dựng nhà cửa, con cháu học hành đều thành tâm ra lễ đền xin được Thánh phù hộ.
Lễ hội đền Bắc Cung không chỉ là hình thức sinh hoạt văn hóa, tinh thần nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của quốc gia, mà còn là điểm thăm quan, sinh hoạt văn hóa cộng đồng của nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Nguồn: http://manghoidap.vn/Le-hoi-den-Bac-Cung-Vinh-Phuc-12533.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét