Thứ Tư, 16 tháng 10, 2013

Lễ hội đền Ngự Dội - Vĩnh Phúc?

Lễ hội đền Ngự Dội được tổ chức vào ngày rằm tháng Giêng hàng năm, tại xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc. Nếu như lễ hội đền Và là một trong các lễ hội to và đông vui nhất ở thị xã Sơn Tây thì lễ hội đền Ngự Dội cũng đã được xác định là lễ hội vùng của huyện Vĩnh Tường. Người dự hội có thể thấy ở lễ hội đắc sắc này sự hội tụ sức mạnh cộng đồng và gửi gắm khát vọng về hòa bình, no ấm của người dân vùng đất bãi ven sông trong suốt dọc dài lịch sử.
Được xây dựng từ năm 603 trên cánh bãi La Phiên xưa, nay là xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường, đền Ngự Dội đã chứng kiến bao mùa đổi dòng thay hướng của sông Hồng mỗi mùa con nước. Đền được lập nên để lưu giữ dấu linh của Đức thành Tản Viên trên mảnh đất Vĩnh Ninh, gắn với huyền tích hai cô thôn nữ nhờ phép màu của Đức Thánh đã dùng sọt gánh cỏ mà gánh được nước sông Hồng dâng lên để Đức Ngài gột tẩy bụi trường chinh, trước khi Ngài về hóa Thánh trên đỉnh non Tản. Qua bao biến cố thăng trầm của lịch sử, đền Ngự dội xưa không còn nữa. Năm 1989, đền bắt đầu được khởi công tôn tạo và bảo tồn cho đến ngày nay.
lễ hội đền ngự dội
Lễ hội đền Ngự Dội được tổ chức vào rằm tháng giêng, thường diễn ra trong 4 ngày. Đặc biệt, vào các năm: Tý, Ngọ, Mão, Dậu, được gọi là năm đại lễ, 8 làng: Vân Gia, Thanh Trì, Nghĩa Phủ, Mai Trai, Đạm Trai thuộc xã Trung Hưng; Phù Sa, Phú Nhi thuộc xã Viên Sơn, thị xã Sơn Tây, Hà Nội và làng Duy Bình thuộc xã Vĩnh Ninh, huyện Vĩnh Tường cùng nhau tổ chức một cuộc rước lớn: rước kiệu Thánh từ đền Và thuộc xã Trung Hưng sang đền Ngự Dội.
Đây là nghi thức hoành tráng và đặc sắc nhất của lễ hội đền Ngự Dội bên cạnh các nghi lễ trang trọng, thiêng liêng khác như: tổ chức rước nước tại Sông Hồng, cử hành lễ mộc dục, lễ tiến đốn và lế tế, tổ chức tiệc làng Duy Bình…
Lễ rước ngai Thánh đi trong đêm vào lúc 2 giờ sáng. Từ đền Và, đám rước đi qua cầu Cộng, vào thị xã Sơn Tây, ra bến sông rồi xuống thuyền qua sông Hồng sang địa phận xã Vĩnh Ninh, Vĩnh Tường. Những người chở đò ăn mặc quần áo lễ hội và chở khách thập phương qua sông đều không lấy tiền. Gần chục chiếc thuyền lớn được cột với nhau và trải tre vầu phẳng phiu để ngự kiệu và chở người hành lễ. Có đến hàng nghìn người theo thuyền chở ngai Thánh Tản sang sông cùng các thuyền nan hộ tống, còn đoàn rước thì reo hò, khua chiêng, gõ trống và ca hát làm náo động cả một khúc sông rộng. Tiếng cười nói hân hoan lan toả làm nức lòng người theo hầu Thánh Tản sang sông. Ở bên này bờ, kiệu thánh của đền Ngự Dội đã đợi sẵn cùng hàng trăm người dân và khách thập phương náo nức đợi rước Thánh về.
Khi thuyền rước kiệu Thánh từ đền Và cập bờ, lá cờ ở đầu kiệu phất về phía bờ bắc sông Hồng, ấy là lúc cả khúc sông dậy lên tiếng hò reo hân hoan cùng tiếng bước chân chạy rầm rập; người dự hội ùa ra đón kiệu Thánh với tất cả lòng tôn kính, ngưỡng mộ. Người thành kính chiêm bái, người chen chúc để được chui dưới gầm kiệu, cầu cho mình một năm mới khỏe mạnh và bình an.
Đoàn rước xếp thành cả một dãy dài với 8 kiệu, cờ phướn rợp trời. Đoàn rước kiệu đi trong không khí tưng bừng, náo nhiệt. Hương trầm ngạt ngào, trống hội âm vang cùng với tiếng nhạc xênh tiền uyển chuyển khiến cho lễ hội vừa mang tính linh thiêng mà cũng rất gần gũi, đời thường. Khi đoàn rước về tới đền Ngự Dội, ấy là lúc diễn ra lễ khai hội cùng lễ tiến đốn và lế tế. Nhân dân 2 bên bờ sông Hồng cùng hòa chung trong không khí linh thiêng của lễ hội, hòa vào các trò chơi dân gian đang làm mê mẩn các vị khách hành hương... Cho đến khi lá cờ ở cổng đền phất về phía sông Hồng, đoàn người lại cùng nhau rước kiệu Thánh trở về đền Và ở bên kia sông.
Nguồn: http://manghoidap.vn/Le-hoi-den-Ngu-Doi-Vinh-Phuc-12534.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét