Thứ Tư, 9 tháng 10, 2013

Lễ hội làng Mỹ Đôi (Làng Dâu) - Hà Nam?

Làng Dâu còn gọi làng Mỹ Đôi, thuộc xã An Mỹ, huyện Bình Lục. tỉnh Hà Nam, nằm trên địa bàn có bề dày lịch sử. Nơi đây, nhiều sự kiện chiến tranh tự vệ của nhiều lịch đại đã diễn ra, nhưng đậm nét hơn cả, vẫn là sự tích ba chị em ả Đào, Nguyễn Phương, Nguyễn Quế chỉ huy nghĩa binh đánh giặc Minh đầu thế kỷ XV.  Hàng năm hội làng mở vào ngày 15 tháng 2 thao diễn quá trình đánh đồn giặc Minh để ghi nhớ công lao của 3 chi em đồng thời ca ngợi tinh thần yêu nước của nhân dân Việt Nam.
Tương truyền: Thân phụ của chị em ả Đào từ vùng Tiên Lữ Hưng Yên, sang xã Bồ Xá Bình Lục lấy vợ lẽ là Thị Hương và sinh được ả Đào, Nguyễn Phương, Nguyễn Quế. Hồi đó giặc Minh xâm lược nước ta, sát hại sinh linh, cướp phá tài sản, gây nhiều thảm cảnh ở Trang Cổ Thọ (nay thuộc xã An Mỹ).

Trước những hành động bạo ngược của giặc Minh ngày ngày diễn ra, các bô lão Cổ Thọ sang làng Bồ Xá cầu cứu viện binh đánh giặc. Nghe qua tình hình, ả Đào bàn với hai em và dân làng tìm cách đánh giặc trừ hại cho dân.

Nghĩa binh hai làng Bồ Xá, Cổ Thọ quyết định đánh úp căn cứ giặc Minh. Vào lúc nửa đêm ngày 14 tháng 2, ả Đào chia quân làm ba đạo, phối kết hợp với dân làng Cổ Thọ tập kích phá đồn giặc. Trước giờ xuất phát, nghĩa quân lấy bánh dầy làm lương ăn, lấy mía thay nước và tuyệt đối không dùng lửa. Trận tập kích phá đồn giặc thành công. Nhân dân cổ Thọ được giải phóng, lấy lại sự thanh bình cho làng quê.
lễ hội làng mỹ đôi (làng dâu)
 Lễ hội có hai phần:

- Phần chuẩn bị được các Giáp thực hiện rất cẩn trọng. Các Giáp phải thi nhau nuôi lợn béo và sạch, để lấy thịt cúng thành và diễn khai sự tích. Phải chọn gạo làm bánh dầy, sao cho bánh trắng, ngon và dẻo. Thi nhau trồng hoặc mua loại mía ngon, mềm và hoa quả vừa làm lễ vật vừa tượng trưng cho lương thực, dùng trong chiến trận của các tưởng khi đánh giặc. Những lễ vật này được hội đồng chấm thi cân nhắc, xét thưởng theo từng loại nhất, nhi, ba.

Các Giáp còn có phận sự chặt cành cây, cắm xung quanh khu miếu ờ phía đông nam bình Dâu, giả làm đồn binh của giặc, đồng thời bố trí một số nơi giặc đóng trong xóm. Nhà nào được chọn là vị trí đóng quân, thì người trong nhà phải chấp nhận đóng vai quân Minh, đến đêm phải thắp đèn báo hiệu và khi quân của tiên chúa ả Đào đánh đến, nằm lăn ra giả chết, mặc cho nghĩa quân khiêng vứt ra khe, rãnh phía nam đình Dâu.

Trước khi vào hội làng phải chuẩn bị nhân lực, bố trí làm ba cánh quân. Đặc biệt là tìm người có phúc, có đủ phẩm hạnh đóng vai trò ả Đào tiên chúa và hai vị đại vương Nguyễn Phương, Nguyễn Quế. Đồng thời phải chọn người múa rồng và đóng vai Chử Đồng Tử tiên ông… Tóm lại, lệ làng Dâu về chuẩn bị khai diễn sự tích phá đồn giặc Minh khá cụ thể, nếu các Giáp chuẩn bị thiếu chu đáo sẽ ảnh hướng đến lễ hội, do đó mọi người, mọi nhà được phân công phải lo lắng chuẩn bị, tập duyệt phần việc của mình một cách nghiêm túc.

- Phần thao diễn sự tích được triển khai sau khi tế lễ, vào giờ Tý đêm 14 rạng 15 tháng 2 âm lịch. Đến lúc này, mọi nơi (từ đình, chùa đến nhà tư) thực hiện cấm lừa như lệ làng đã ghi: “Thử gian bài binh, bất khả phát yên, duy thủ bạch viên binh, khiến sinh dĩ hường quân sỹ" nghĩa là thời gian dùng binh không được phát lửa, dùng thịt lợn, bánh dầy cho quân ăn. Truyền thuyết còn cho biết:  Nước uống được thay bằng mía.

Các đạo quân được bố trí tại ba hướng:

Đạo phía Nam do Nguyễn Phương làm tướng, ’đạo phía Đông do Nguyễn Quế chỉ huy, còn đạo phía Tây do chính ả Đào tiên chúa cầm linh phù làm tướng soái. Cả ba đạo quân tiến từ ba phía về khu miếu có cành cây cắm xung quanh, tượng trưng vị trí đóng quân của địch. Bên trong khu miếu “quân xanh" được mặc áo, quần, thắt lưng như quân đội nhà Minh, từng tốp, từng tốp nằm, ngồi vạ vĩnh bên các bình rượu. Khi 9 hồi chiêng trống vang lên thì cả ba đạo giáp công, giao chiến một ngày, một đêm thì quân giặc đại bại bỏ đồn  chạy trốn. Sau đó ba đạo quân chia nhau tấn công các căn cứ nhỏ đóng trong làng. Gia đình bố trí làm nơi quân Minh đóng thì châm đèn báo hiệu. Nghĩa quân ào ạt tấn công, tiêu diệt lần lượt các vị trí, rồi khiêng "xác giặc" ra khe phía nam làng Dâu, vứt xuống để giải quyết hậu quả. Sau đó đoàn quân kéo về đình tụ hội.
lễ hội làng mỹ đôi (làng dâu)
Trước sân đình, bỗng xuất hiện con rồng vàng, trên lưng rồng có tiên ông Chử Đồng Tử, tay cầm quạt vẫy gọi tiên chúa và hai tướng Nguyễn Quế, Nguyễn Phương. Cả ba người chạy ra phía đuôi rồng rồi như bay xa dần, trong khi đó thì dân làng dơ tay vẫy vẫy, hoặc chắp tay chào vĩnh biệt, vẻ bùi ngùi xúc động, cảm phục biết ơn.

Lệ ngạch trong lễ hội đình Dâu, thôn Mỹ Đôi xã An ỉvlỹ huyện Bình Lục tỉnh Hà Nam, với những tình tiết diễn tả cuộc chiến, phù hợp với nội dung lịch sử và tín ngưỡng dân gian, làm sáng tỏ thêm sự kiện lịch sử mà nhân dân địa phương tham gia đánh phá giặc Minh.

Bên cạnh lệ thao diễn phá đồn giặc Minh, làng Dâu còn lệ đào "cốt khí” (đào xương người chết). Lệ này thường diễn ra trong xóm phía nam đình. Theo truyền thuyết, xóm này nguyên xưa là vùng trũng, có lạch nước chảy qua. Thế kỷ XV khi giặc Minh chiếm đóng vùng, bị dân binh địa phương tiêu diệt và xác giặc được tập trung vùi chôn ở vùng trũng, sau này đất cao dần do san lấp, lại có sự tôn đất thành nền nhà, thành xóm, nhưng phía dưới vẫn còn xương người. Truyền thuyết địa phương nói tới việc bất ổn về sức khoẻ trong xóm do "âm khí giặc Minh" gây ra… Do vậy, từ lâu đời, dân làng Dâu phải đào đất tìm xương người đem chôn nơi khác. Có nhà phải cậy sân, đào sâu trong lòng đất tìm xương người, có nhà phải đào cả nền nhà lấy xương đem chôn nơi khác... Tục này có màu sắc duy tâm, song việc làm có thật này lại liên quan đến sự kiện lịch sử đánh giặc Minh, góp phần làm sáng tỏ thêm về mảnh đất con người thế kỷ XV ở làng Dâu, huyện Bình Lục, tỉnh Hà Nam.
Nguồn: http://manghoidap.vn/Le-hoi-lang-My-Doi-Lang-Dau-Ha-Nam-12747.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét