Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Lễ Vía Bà - Tây Ninh?

Núi Bà Đen thuộc xã Thạnh Tân, huyện Hoà Thành, thị xã Tây Ninh, tỉnh Tây Ninh, cách thị xã Tây Ninh 11km về phía đông bắc. Núi Bà Đen có nhiều truyền thuyết, tín ngưỡng dân gian và nơi đây hàng năm diễn ra những lễ hội lớn không chỉ của Tây Ninh mà còn của cả vùng đất Nam Bộ. Vị thần thờ chính trên núi là Bà Đen hay còn gọi là Linh Sơn Thánh Mẫu. Bà được thờ ở Điện Bà khoảng lưng chừng núi. Ngày hội lễ được xem là quan trọng nhất ở Núi Bà trong năm là lễ vía Bà tổ chức vào các ngày mùng 4, 5, 6 tháng 5 âm lịch.
Mọi việc chuẩn bị cho lễ vía Bà được tổ chức từ nhiều ngày trước đó để kịp đến khuya mùng 3 rạng mùng 4 sẽ làm lễ tắm Bà và thay áo cho Bà. Vào lúc này cửa điện được đóng kín, đèn nến tắt gần hết chỉ còn lại 6 phụ nữ trung niên trong đó có 3 ni cô của nhà chùa bắt tay vào nghi thức tắm tượng Bà, mọi người đến trước tượng Bà làm lễ thắp nhang, xin phép được tắm và thay áo cho Bà. Giữa tuần hương, dưới sự điều hành của một phụ nữ lớn tuổi trong nhóm, mọi người cùng bắt tay và cởi áo khoác trên tượng bà trong suốt năm qua, rồi chuyền tay nhau những gáo nước nấu bằng lá thơm trong rừng (về sau có pha thêm nước hoa) dội lên tượng Bà kỳ cọ sạch sẽ. Sau khi dội nước xong lần cuối, mọi người dùng những chiếc khăn khô và sạch lau khô tượng Bà và thay cho tượng một bộ áo mới. Người ta tin rằng nước tắm tượng Bà thải ra là một vị thần chữa được bá bệnh, và ngay cả khăn lau và bộ áo cũ của tượng Bà là một thứ bùa ngải linh thiêng, nên không ít người mê tín đến xin hoặc mua nước tắm, khăn lau áo cũ tượng Bà đem về chữa bệnh.
Tắm và thay áo cho Bà xong, những người phụ nữ thắp một lần hương nửa, và thắp đèn nến trở lại cho sáng sủa rồi mở rộng các cửa điện để đón các thiện nam, tín nữ vào thắp hương cầu khấn Bà.
Sáng ngày mùng 4 lễ hội Núi Bà bắt đầu sau khi nghi thức tắm và thay áo cho Bà, các du khách chen chúc nhau vào chánh điện để chiêm bái thắp hương cầu khấn Bà. Suốt ngày mùng 4 tại điện Bà diễn ra các nghi thức lễ hội dân gian gồm: Hát bóng rối chầu mời, hát chặp bóng tuồng hài "Địa Nàng", múa dâng bông, dâng mâm ngũ sắc, múa đồ chơi (Múa lu, múa lục bình, múa bông huệ...).
Ngày mùng 5 là ngày lễ vía chính thức của Bà và cũng là ngày lễ hội Núi Bà đông vui nhất. Những nghi lễ trong ngày mùng 5 quan trọng nhất là lễ "Trình thập cúng". Trong lễ này người ta dâng lên Bà 10 món bao gồm: Hương, đèn, hoa quả, trà bánh, rượu... Trong suốt ngày mùng 5, các vị sư thay nhau tụng kinh liên tục trước bàn thờ Bà.
lễ vía bà
Ngày mùng 6 dành cho việc cúng các cô hồn, uổng tử và chẩn tế cho bá tánh. Ngày cúng này có sự tham dự của các sư sải, để đọc kinh sám hối siêu độ cho các oan hồn. Những khách về tham dự, vào điện Bà tiếp tục cầu khấn, dâng hương. Buổi chiều sau lễ cúng ngọ, là lễ thí thực cô muối. Ban đêm các nhà sư tiếp tục các chầu kinh siêu độ cho bá tánh... Những ngày sau đó du khách vẫn tiếp tục hành hương về thăm Núi Bà và hành lễ ở Điện Bà.
Những ngày hội Núi Bà trong năm có rất đông du khách trong và ngoài tỉnh về tham dự, cùng với các sinh hoạt tín ngưỡng tôn giáo, đông vui. Những nghi lễ trong lễ hội Núi Bà vừa mang tính chất của các hoạt động tín ngưỡng và của Phật giáo, thể hiện những mong ước của đại chúng về một cuộc sống thịnh vượng, an khang
Nguồn: http://manghoidap.vn/Le-Via-Ba-Tay-Ninh-12715.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét