Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Thành cổ Hoàng Đế - Bình Định?

Vị trí: Thuộc địa phận xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Qui Nhơn 27km về hướng tây bắc.

Đặc điểm: Thành được xây dựng vào cuối thế kỷ 10, dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya.

Đây là kinh đô cuối cùng của vương quốc Chămpa. Năm 1778, Nguyễn Nhạc tự xưng là Trung ương Hoàng đế, đóng đô ở đây, gọi là Hoàng Đế Thành. Ông cho mở rộng thành về phía đông, xây dựng nhiều công trình lớn. Năm 1799, thành bị quân nhà Nguyễn chiếm, đổi gọi là thành Bình Định. Năm 1814, nhà Nguyễn phá bỏ thành cũ, xây thành mới, cách thành cũ khoảng 5km về phía nam.

Trong thành có những di tích cũ của người Chăm như giếng vuông, tượng nghê, voi. Bên cửa hậu có gò Thập Tháp, trên gò có 10 ngôi tháp Chàm. Đặc biệt có ngôi tháp Cánh Tiên cao gần 20m, góc tháp có tượng rắn làm bằng đá trắng, 2 tượng voi và nhiều tượng quái vật. Chùa Thập Tháp Di Đà nằm ở phía bắc thành, chùa Nhạn Tháp ở phía nam thành là những ngôi chùa cổ còn giữ được nhiều di tích, hiện vật liên quan đến văn hóa Chămpa và phong trào Tây Sơn.
thành cổ hoàng đế
 Thành Đồ Bàn được xây dựng dưới triều đại vua Yangpuku Vijaya vào cuối thế kỷ X, là kinh đô cuối cùng của vương quốc Chămpa từ thế kỷ XI đến thế kỷ XV. Đến năm 1775, thành được triều đại Tây Sơn xây dựng lại, trên nền của kinh đô Trà Bàn, là nơi đặt đại bản doanh của nghĩa quân Tây Sơn trong giai đoạn đầu và sau đó là kinh đô của chính quyền trung ương Hoàng Đế Thái Đức - Nguyễn Nhạc.

Thành Hoàng Đế không lớn nhưng có nét đẹp riêng và đặc biệt là mang đậm kiến trúc Chămpa với ba vòng thành: thành nội, thành ngoại và Tử Cấm Thành. Thành ngoại là vòng thành ngoài cùng, hình chữ nhật nhưng các cạnh uốn lượn, có chu vi 7400m. Chân thành có chiều rộng hơn 10m, cao trên 6m và mặt thành rộng tới trên 4m. Thành mở 5 cửa, trong đó tường thành phía Nam mở hai cửa là cửa Vệ và cửa Tân Khai, ba tường thành còn lại thì có 3 cửa Đông, Tây, Bắc, được đắp bằng đất, phía trong và ngoài bó đá ong
thành cổ hoàng đế
Thành nội có tên là Hoàng thành, được xây chếch về hướng Tây Nam của thành ngoại, hình chữ nhật với chu vi 1600m, chân thành rộng từ 7m - 9m, mở ba cửa trong đó cửa Tiền ở chính giữa tường thành phía Nam, nhìn thẳng ra cửa Vệ của thành ngoại. Tử Cấm Thành nằm ở trung tâm thành Hoàng Đế, là vòng thành trong cùng, hình chữ nhật, chu vi gần 600m, cao 1,8m, riêng góc Đông Nam cao đến trên 3m, rộng khoảng 1,5m. Thành có 4 cửa ở 4 hướng, trong đó cửa ở hướng Nam là cửa chính với tên gọi cửa Nam Lâu hay cửa Quyển Bồng.

Ngoài các vòng tường thành kiên cố, thành còn được phòng vệ bằng cả một hệ thống sông ngòi, núi, đồi, gò tự nhiên và nhân tạo bao bọc xung quanh. Sông Đập Đá tách ra ở Thiết Trụ, xã Nhơn Mỹ rồi hợp lại ở Lý Tây, xã Nhơn Thành, bao bọc thành Hoàng Đế như một con hào tự nhiên, đồng thời là con đường thủy thuận lợi. Cùng với tuyến sông - hào, các gò núi quanh thành cũng đóng vai trò không nhỏ trong hệ thống phòng thủ. Phía Nam thành có gò Vân Sơn, gò Tập - nơi trước đây dùng để luyện tập quân sĩ, xa hơn gò Tập một chút là ngọn núi Long Cốt án ngữ phía trước cửa thành.
thành cổ hoàng đế
Tử cấm thành

Lối vào thành có hai chú voi bằng đá rêu phong đứng cách nhau hơn 20m, một hướng về phía Đông, một hướng về phía Tây. Đó là dấu tích thành Đồ Bàn của vương quốc Chămpa được vua Thái Đức Nguyễn Nhạc giữ lại khi xây dựng thành. Qua cổng thành, trong sân có những tượng lân đá rất sinh động, kế đến là lầu Bát Giác, hòn Giả Sơn. Phân bố đăng đối hai bên lầu Bát Giác là hai hồ hình bán nguyệt đã được nạo vét, trả lại nguyên vẹn hình dạng một hồ tắm xưa với đường kính dài 17m, sâu 1,6m. Vách hồ là những tảng đá ong nâu xếp chồng lên nhau, được kết dính bằng đất sét hết sức khéo léo và đẹp mắt. Đặc biệt, trên vách hồ có gắn những khối san hô trắng cỡ bằng bàn tay và một số bệ đá.
thành cổ hoàng đế
Cách hồ bán nguyệt khoảng 50m là một giếng cổ hình lá đề, được xây bằng đá ong và đất sét. Trải qua thời gian, giếng nước xưa giờ đây đã bị lấp bằng, chỉ còn là một hồ trũng. Ở góc thành còn có một giếng cổ hình vuông, lát đá ong mà nước đến bây giờ vẫn trong xanh dù cho thời gian, cây cỏ vô tình che lấp
thành cổ hoàng đế
Tử Cấm Thành luôn rợp bóng cây xanh rất thơ mộng. Thấp thoáng sau tán cây cổ thụ là ngọn tháp Cánh Tiên từ thời Chămpa nghiêng mình e ấp đẹp tựa tranh vẽ. Trải qua sự tàn phá của thời gian, những cây cổ thụ với đủ loại: me, sung, bồ đề, khế vẫn hiên ngang đứng đó như những chàng lính ngự lâm oai dũng bảo vệ cấm cung. Với tuổi đời hàng trăm năm, thành cổ Hoàng Đế được ví như một quyển sách cổ bị bỏ quên, để rồi nếu vô tình chạm đến và mở ra, du khách sẽ bị chinh phục bởi nét đẹp của những trang dĩ vãng, những dòng lịch sử hết sức giá trị. Thành cổ Hoàng Đế đã được Bộ Văn Hóa - Thông tin xếp hạng di tích lịch sử quốc gia vào năm 1982.
nguồn: http://manghoidap.vn/Thanh-co-Hoang-De-Binh-Dinh-9604.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét