Thứ Năm, 29 tháng 8, 2013

Tháp Cánh Tiên - Bình Định?

Vị trí: Tháp Cánh Tiên nằm giữa thành Ðồ Bàn, thuộc làng Nam An, xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, cách thành phố Qui Nhơn 27km về hướng tây bắc.
Đặc điểm: Tháp xây trên một đỉnh đồi cao chừng vài chục thước, thờ bà Nữ Thần Y A Na.
Tháp Cánh Tiên có bề mặt vuông, nhiều tầng xây bằng gạch, cao gần 20m, trông xa giống như đôi cánh của nàng tiên đang bay lên trời.
Đây là một trong những ngôi tháp điển hình cho phong cách kiến trúc Bình Định. Kết cấu gồm tiền sảnh và điện thờ (tiền sảnh bị đổ sụp). Phía ngoài thân tháp, các mặt tường được trang trí những cột ốp và các khung dọc nhô ra. Khác với các tháp chàm khác, tháp Cánh Tiên được xây dựng một phần bằng sa thạch ở nửa phía ngoài các cột ốp tường và các góc diềm mái. Tại bốn góc ở mỗi tầng của tháp có các chi tiết bằng đá hình đuôi phượng nhô ra.
tháp cánh tiên
Tháp Cánh Tiên tọa lạc trên một gò đất không cao lắm ở khu vực trung tâm thành Đồ Bàn, nay thuộc xã Nhơn Hậu, huyện An Nhơn.

Cánh Tiên là một ngôi tháp đẹp, được tạo dáng độc đáo, thanh thoát với bố cục hết sức hợp lý. Đế tháp xây cao, bề thế, trên một bình diện gần vuông, mỗi bề dài khoảng gần 10m với các đường giật cấp so le. Toàn tháp cao khoảng 20m, bốn mặt quanh thân tháp đều trang trí các cột trụ ốp tường nhô ra theo một tỷ lệ hài hòa với tổng thể kiến trúc. Các góc thân tháp được bó bằng các khối đá có kích thước lớn nên khá vững chắc. Về hình thức, tháp có 4 cửa vòm nhọn vút lên mở ra 4 hướng, nhưng chỉ có cửa chính hướng đông là ăn thông với lòng tháp, còn lại là ba cửa giả. Bộ diềm hơi nhô ra tạo thành bộ đỡ cho các tháp góc bên trên. Các hình chạm khắc trang trí chủ yếu tập trung trên bộ mái. Với bốn tầng hiện còn, tầng nào cũng có bốn tháp góc trang trí, mỗi góc lại có những tầng nhỏ, tạo dáng lá lật nhỏ dần về phía trên tạo cảm giác như những cánh chim đang bay. Có lẽ chính do dáng vẻ này mà người ta gọi là tháp Cánh Tiên.
tháp cánh tiên
Những tảng đá chạm khắc hình đuôi phụng gắn trên các tầng tháp giả và hình Makara, một loài thủy quái trong thần thoại Ấn Độ với nanh nhọn, vòi dài, trang trí ở các góc đầu tường đã tạo cho tháp Cánh Tiên một vẻ đẹp sang trọng, huyền bí. Cảm tác trước cảnh tháp, một thi sĩ khi đến viếng thăm đã để lại một bài thơ:

Rồng thiêng tiên cỡi đi đâu

Cánh Tiên để đó dãi dầu nắng mưa

Cùng non tháp giữ tình xưa

Trải bao dâu bể vẫn chưa nao lòng

Đồ Bàn còn núi còn sông

Còn tiên kết cánh còn rồng tuôn mây

tháp cánh tiên
Khác với nhiều tháp Chăm, trang trí tháp Cánh Tiên cầu kỳ đến độ hoàn mỹ. Từ hệ thống vòm cửa với những dải hoa văn hình xoắn xếp lớp đối xứng nhau uyển chuyển đến các khối đá ốp cạnh được chạm khắc tinh tế tạo thành những hoa văn nối kết đều toát lên vẻ đẹp vừa thanh thoát, trang nhã, vừa uy nghi bề thế. Cũng có thể do vẻ đẹp duyên dáng mà tháp còn có tên dân gian là tháp Con Gái.
Nguồn: http://manghoidap.vn/Thap-Canh-Tien-Binh-Dinh-9606.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét