Thứ Năm, 24 tháng 10, 2013

Lễ hội dâng hoa măng của dân tộc La Ha - Sơn La?

La Ha là dân tộc ít người, định cư nhiều ở Sơn La, Lai Châu..Lễ hội dâng hoa măng (Pang A Nụn Ban) của dân tộc La Ha có từ rất lâu đời, nhằm cảm tạ những người thầy lang chữa khỏi bệnh. Đây cũng là một sinh hoạt văn hóa cộng đồng lớn nhất hàng năm của dân tộc La Ha bởi số lượng người tham gia lên tới hàng trăm người với quy mô không phải một xã, một bản mà có thể tới các xã, sang cả huyện khác. Họ đến đây để gặp nhau, giao lưu văn hóa - văn nghệ, trao đổi về tình hình bệnh tật và kinh nghiệm chữa chạy. Lễ hội được tổ chức vào trước ngày rằm hàng tháng trong mùa xuân.
lễ dâng hoa măng
Mùa xuân là mùa măng đắng khi cây tre lên măng. Ở Tây Bắc thường ít mưa, nên khi măng đội đất lên thì ăn rất đắng. Sau khi gặp mưa đầu mùa thì loại măng này chuyển dần sang ngọt. Măng đắng là món ăn đặc sản của dân tộc La Ha và là loại thuốc gia truyền của thầy lang. Trùng vào mùa măng đắng mọc còn có hoa Mạ Rệ nở trong rừng. Đây là họ cây cổ thụ, to cao, lá to dài, hoa thành từng chùm màu vàng đỏ. Loại hoa này ăn được và có mùi thơm như nước hoa. Đây cũng là vị thuốc trong bài thuốc của thầy lang nên khi tổ chức lễ hội dâng hoa măng cần phải có măng đắng và hoa Mạ Rệ.
Lễ hội gồm hai phần: lễ và hội. Phần lễ cảm tạ đất trời tổ tiên, sông núi đã phù hộ cho dân tộc La Ha mạnh khoẻ, ít ốm đau và mách bảo cho dân tộc La Ha có các loại thuốc lá chữa bệnh.
Phần hội sôi động vui vẻ, khẳng định được tính sáng tạo. Các điệu múa xuất phát từ lao động, những công việc hàng ngày rất gần gũi với dân tộc La Ha, đồng thời khẳng định dân tộc La Ha luôn cầu cho mưa thuận gió hoà, cây cối tốt tươi, bản làng ít bệnh tật, dòng tộc phát triển hạnh phúc.
Lễ hội Dâng hoa măng là di sản văn hoá phi vật thể cần được nghiên cứu, lưu giữ và giới thiệu trong cộng đồng dân tộc Việt Nam.
Nguồn: http://manghoidap.vn/Le-hoi-dang-hoa-mang-cua-dan-toc-La-Ha-Son-La-12742.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét