Thứ Ba, 15 tháng 10, 2013

Lễ hội đình Làng Dọc - Yên Bái?

Lễ hội đình làng Dọc là lễ hội dân gian mang đậm sắc thái của người Kinh và người Tày cổ. Đặc biệt, lễ hội thường được tổ chức 2 kỳ trong năm, vào mồng 3 mồng 4 tháng Giêng âm lịch (gọi là lễ Hạ điền) và 13, 14 tháng 7 âm lịch (lễ hội cầu Thần Nông). Đây là dịp nhân dân huyện Trấn Yên, Yên Bái cầu cho mạ xanh lúa tốt, cuộc sống an lành, nhà nhà no ấm.
Đình làng Dọc nằm ở làng Dọc, xã Việt Hồng, huyện Trấn Yên, Yên Bái. Đình được xây dựng từ thế kỷ 19 và được ban sắc phong đời vua Khải Định gồm 5 gian 2 trái, kiến trúc chữ “đinh”. Gian trước được làm theo kiến trúc cúng thờ. Hiên trái phía đông được chọn làm cửa chính vào đình. Đình nhìn ra suối nước trong xanh có mỏ nước ngầm chảy bốn mùa, tương truyền đó là long mạch của đình và trên mỏ nước là phiến đá lớn nơi còn lưu giữ vết chân ngựa của người xưa đến vùng đất này khai khẩn. Sân trước đình hẹp, kề sát vực suối và mỏ nước ngầm. Trái đình kề dải đồi dốc thấp được chọn làm nơi lên xuống, đón khách chiêm bái. Ngoài ra, kiến trúc của đình cũng có sự giao thoa giữa lan can của người Tày và kiểu dáng nhà đất của người Kinh.
lễ hội đình làng dọc
Hằng năm, lễ hội đình làng Dọc được tổ chức vào lễ tháng Giêng và lễ tháng 7. Lễ hội có sự pha trộn giữa nghi thức tế lễ của người Kinh với các điệu múa xòe then của dân tộc Tày. Phần lễ cúng Thành hoàng, tổ tiên, các bậc tiền bối có công khai khẩn vùng đất này gồm 4 mâm cỗ chay và 27 mâm cỗ mặn. Riêng lễ tháng 7 còn có thêm thịt trâu hay thịt dê. Phần lễ có sự tham gia của Đảng ủy, chính quyền xã được tổ chức trang nghiêm, tiết kiệm, không lợi dụng mê tín dị đoan. Phần hội cũng được tổ chức rất đa dạng, phong phú với các trò chơi truyền thống của các dân tộc miền núi tỉnh Yên Bái như: ném còn, kéo co, đẩy gậy…
Trải qua thăng trầm của lịch sử và sự tàn phá của chiến tranh, lễ hội đình làng Dọc đã đi vào tiềm thức mỗi người dân, minh chứng cho sức sống mãnh liệt của một lễ hội mang đậm giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, đậm nét tâm linh của đồng bào các dân tộc Trấn Yên, Yên Bái. Đây cũng là dịp thắt chặt tình đoàn kết giữa các dân tộc Tày, Kinh, Thái, thắt chặt tình làng nghĩa xóm, và tưởng nhớ đến tổ tiên ông cha đã có công khai khẩn ra mảnh đất này.
Nguồn: http://manghoidap.vn/Le-hoi-dinh-Lang-Doc-Yen-Bai-12474.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét