Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Lễ hội làng Vọng Nguyệt - Bắc Ninh?

Lễ hội làng Vọng Nguyệt được tổ chức trong ba ngày 25, 26, 27 tháng 2 âm lịch hàng năm, tại thôn Vọng Nguyệt, xã Tam Giang, huyện Yên Phong (Bắc Ninh). Lễ hội tổ chức nhiều hoạt động mang tính chất truyền thống và hiện đại tưởng nhớ các bậc tiền nhân có công lập làng.

Vọng Nguyệt xưa có tên gọi là làng Thứ Nhị hay còn gọi là làng Ngột Nhì. Vào thời Nguyễn thuộc tổng Nội Trà, huyện Yên Phong, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Làng nằm ở bên bờ Nam sông Cầu là vùng quê có phong cảnh thơ mộng trữ tình với một quần thể di tích đình, đền, chùa đẹp nổi tiếng đất Kinh Bắc xưa. Từ bao đời nay nơi đây vẫn có nghề trồng dâu nuôi tằm gắn bó với cuộc sống và tình yêu lao động của mỗi một người dân.

Vọng Nguyệt không những nổi tiếng trong dân gian là vùng đất khoa bảng tiêu biểu của huyện Yên Phong với 8 vị đỗ đại khoa và nhiều vị đỗ cử nhân tú tài vào thời phong kiến mà còn là một vùng quê giàu truyền thống cách mạng kiên cường đấu tranh chống giặc ngoại xâm.
lễ hội làng vọng nguyệt
Vọng Nguyệt còn là một trong những làng Việt cổ với những di sản văn hoá vật thể, đánh dấu những mốc son thăng trầm của một cộng đồng làng xã trong suốt chiều dài của lịch sử dân tộc. Chùa Vọng Nguyệt (tên chữ là Khai Nghiêm tự) do Nguyệt Sinh công chúa nhà Lý dựng. Đến thời Lê và Nguyễn chùa Khai Nghiêm được tu sửa lớn, dựng thạch trụ thiên đài vào năm Vĩnh Thịnh nguyên niên (1705), đúc chuông đồng lớn vào năm Cảnh Thịnh thứ 7 (1799) và tạc nhiều pho tượng Phật. Đời Dụ Tông (1341-1369) Hàn lâm học sỹ Trương Hán Siêu soạn văn bia, khắc trên đá.

Lễ hội Vọng Nguyệt diễn ra trong vòng 3 ngày với đầy đủ các nghi lễ:

Trong ngày hội, có rất nhiều tốp được phân chia nhiệm vụ để rước lễ vật. Gồm một nhóm các em thiếu niên nữ và nam, các cụ ông, cụ bà, thanh niên nam nữ riêng mỗi tốp sẽ có một nhiệm vụ rước từng lễ vật khác nhau như, ngựa ông, ngựa bà, lọng, kiệu...Đoàn rước đi từ đình làng ra chùa và đi qua các ngõ lớn trong làng.

Đi dẫn đầu đoàn rước là một nhóm múa lân gõ chiêng trống inh ỏi và góp lộc của các hộ dân hai bên đường của đoàn rước ban phát, biểu thị sự no ấm đầy đủ, đi sau là người mặc bộ áo dài đỏ (người có chức sắc trong làng thời xưa) dẫn đầu cho đoàn rước.
Từng đoàn rước nối đuôi nhau đi trong tiếng kèn trống chiêng rỗn rã cộng với nhóm múa lân vui nhộn trên đường, rất đông những người già người trẻ đứng ra hai bên đường để ban lộc cho đoàn rước và xem lễ hội

Tất cả các đoàn rước được đi về ngôi chùa cổ của làng để tập trung và lễ hội chính sẽ được tổ chức ở đây, các nghi thức trang trọng và các màn ca múa dân gian được tái hiện lại như các lễ hội thời xưa.
lễ hội làng vọng nguyệt
Từng đoàn rước được quy tụ vào sân chùa để tiến hành nghi lễ trang trọng cúng hoàng làng. Có rất đông du khác thập phương và bà con cùng tham gia lễ hội. Vừa ôn lại nét văn hóa dân gian vừa có dịp vui chơi trong ngày hội và gìn giữ những nét văn hóa ấy cho thế hệ mai sau.

Trên một khúc sông nhỏ các liền anh liền chị hát quan họ tình tứ, người Bắc Ninh có một giọng hát bẩm sinh, không chỉ những liền anh liền chị chuyên nghiệp mới có thẻ hát hay mà hầu hết trong lễ hội đều có sự góp mặt của các giọng hát vẫn luôn chân lấm tay bùn với nghề nông.

Bên cạnh đó, lễ hội còn tổ chức nhiều trò chơi dân gian và hoạt động văn nghệ thể thao như: chọi gà, bóng chuyền, bóng đá, văn công…Ngoài các trò chơi dân gian được tổ chức một cách quy mô như lễ hội vật, vật vốn là một trong những trò chơi dân gian chính trong các lễ hội, về với hội làng có nhiều đô vật ở các tỉnh có truyền thống vật như Hà Tây diễn ra sôi nổi thu hút đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia thi đấu và cổ vũ.

Lễ hội luôn để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng mỗi người dân Vọng Nguyệt và du khách thập phương. Bên cạnh sự đổi mới về kinh tế xã hội, thì những nét đẹp về mặt thuần phong mỹ tục của làng Vọng Nguyệt vẫn luôn được gìn giữ và bảo tồn xứng danh một vùng quê văn hiến xứ Bắc./.
nguồn: http://manghoidap.vn/Le-hoi-lang-Vong-Nguyet-Bac-Ninh-12542.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét