Thứ Sáu, 4 tháng 10, 2013

Lễ hội “Quay đầu trâu” mừng lúa mới của người S’tiêng - Bình Phước?

Đây là nghi lễ lớn nhất của người S’tiêng ở vùng Bù Đăng, tỉnh Bình Phước và cũng là dịp để họ tổ chức ăn tết cúng tạ ơn các Yàng, cầu mong sự sinh sôi nảy nở cho muôn vật, sự bình an cho gia đình dòng họ và cả cộng đồng. Khi gia chủ chuẩn bị xong các công việc cơ bản thì tổ chức đi đón khách quý ở các sóc hoặc dòng họ nơi khác đến. Đi đến giữa đường bên chủ và bên khách tổ chức đấu khêl (khiên), trong tiếng cổ vũ âm vang của cồng, chiêng. Những dũng sĩ bên chủ và bên khách vào cuộc đấu khêl trong sự reo hò, vui mừng, thân thiện với tinh thần hoà hợp. Có thể nói đây là một nghi thức nhằm ôn lại truyền thống đấu tranh chống lại kẻ thù của cha ông có từ xa xưa. Sau nghi lễ đấu khêl, chủ mời khách vào nhà để làm lễ chính thức và sau đó thì đãi tiệc.
lễ hội “quay đầu trâu” mừng lúa mới của người s’tiêng
Gia chủ lấy cây nêu nhỏ và một chén rượu cần đặt dưới kho lúa. Khấn gọi mẹ lúa về nghỉ ngơi sau một năm sinh đẻ vật vã. Sau đó mời gọi các yàng: sông, suối, trời, đất… về để cảm ơn và thiết đãi lễ vật. Xong nghi thức trên thì tiến hành đâm trâu, lấy máu bôi lên cây nêu ở kho  lúa và nhiều đồ vật khác… Sau đó thịt trâu được chế biến, chủ nhà bày rượu cần, cơm lam mời những vị khác ngồi lại khấn cầu cho tình bạn của họ mãi mãi bền chặt. Ai trái lời nguyền sẽ bị thần linh trừng phạt. Khấn cầu cho gia đình, cộng đồng, sóc có cuộc sống yên bình no đủ.
lễ hội “quay đầu trâu” mừng lúa mới của người s’tiêng
Rượu cần được rót vào đinh tul khâl yun, chủ nhà uống trước và sau đó mời  khách và thứ tự hết những người lớn tuổi. Chỉ cang rượu cần đầu  mang tính nghi thức còn về sau ai thích uống bao nhiêu thì uống, không có ép buộc. Men rượu làm con người thăng hoa hơn, gần gũi với thần linh hơn và cũng chân thật hơn bao giờ hết. Rượu cần, cây nêu, phẩm vật hiến tế như chiếc cầu nối để con người thông linh, giao hoà với trời đất, thần linh. Để con người giãi bày tâm sự, khẩn cầu những ước nguyện của mình. Tình bạn, tình yêu, tình người nảy nở từ đây. Tính chất của lễ hội và những cang rượu cần đã thắt chặt tình đoàn kết giữa người S’tiêng với nhau và các dân tộc anh em khác. Đây cũng là yếu tố nhân văn ngàn đời của người S’tiêng để có thêm sức mạnh vượt qua những khó khăn trong cuộc sống, trong chiến đấu, trong lao động sản xuất./.
Nguồn: http://manghoidap.vn/Le-hoi-Quay-dau-trau-mung-lua-moi-cua-nguoi-Stieng-Binh-Phuoc-12614.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét