Thứ Ba, 8 tháng 10, 2013

Lễ Bó khoăn khoai - Điện Biên?

Với quan niệm vạn vật đều có linh hồn, cơ thể sống chỉ là vật biểu hiện ra bên ngoài của một tâm hồn bên trong nên người Thái trắng sau khi kết thúc vụ mùa phải làm lễ Bó khoăn khoai (cúng vía trâu) - một lễ cảm ơn con trâu sau khi mùa vụ đã hoàn thành, nhờ có sức kéo của trâu mà mùa vụ mới được hoàn thành nhanh chóng, con người mới thóc lúa đầy bồ, sung túc, đủ ăn.

Con trâu có vị trí, ý nghĩa đặc biệt đối với cuộc sống của cư dân nông nghiệp. Là cư dân nông nghiệp miền núi nhưng các cư dân Thái (Điện Biên) sinh sống chủ yếu ở các thung lũng gần sông, suối  “người Xá ăn theo lửa, người Thái ăn theo nước”,  đã tạo cho nhân dân bản địa thói quen và điều kiện sản xuất lúa nước từ lâu đời. Câu tục ngữ “Làm nương ủ lá cây, làm ruộng thả nước ngập luống cày”, “Làm ruộng phải lo gianh, làm ruộng phải lo giống” thể hiện trình độ sản xuất khá cao của dân tộc Thái, do vậy để đảm bảo sức kéo cho ruộng, nương, con trâu đối với họ có ý nghĩa vô cùng quan trọng.
lễ bó khoăn khoai
Lễ được tổ chức như sau:

Trước hôm cúng, trâu được tắm rửa sạch sẽ, Lễ tạ ơn được tiến hành với từng con, bắt đầu từ con trâu đầu đàn, tiếng Thái gọi là khoai tổn lang (trâu chủ gầm), sau đó lần lượt theo thứ tự con nhiều tuổi trước, con ít tuổi sau. Tạ ơn con nào thì kéo con trâu trước mâm cỗ cúng. Người cúng cầm sẹo mũi con trâu và đọc bài cúng.

Đồ cúng trong lễ bó khoăn khoai gồm có: cỏ nhưng phải là cỏ gianh hoặc cỏ lau và muối được gói trong lá chuối và được đặt lên chiếc mâm có rải lá chuối. Lễ vật đã được bày sẵn trong mâm gồm có 1 con gà, 1 chai rượu, 4 chén rượu, 4 đôi đũa, 2 cuộn dây thừng. Mâm cúng được gia chủ mang ra sàn bên mâng hẩ là sàn thường được dùng để làm công việc sinh hoạt hằng ngày trong gia đình.

Sau đó con trâu được dắt từ gầm sàn ra dưới gian mang hẩ và được buộc lại bằng dây thừng. Gia chủ cúng đại ý rằng con trâu nuôi của mình, mình để làm ruộng, nương cho nhà mình. Có những lúc mình bảo nó không nghe, nó làm không đúng yêu cầu của mình, lúc đó tao tức giận đã đánh đập mày, tao biết linh hồn mày biết sẽ không vui. Hôm nay đã hết công việc đồng áng, vụ mùa đã bội thu, tao có rượu, thịt, cỏ cho mày ăn no và mày xí xóa cho tao vì có những lúc tao bực mà đánh mày.
Lời lẽ, ngôn từ trong lời khấn rất giản dị, mộc mạc như chính lối sống của người nông dân miền núi, công tội rất rõ ràng. Tất cả vì mục tiêu công việc đặt lên hàng đầu nhưng đồng thời cũng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, đề cao vai trò của lao động ngay cả đối với loài vật vô tri.
lễ bó khoăn khoai
Sau khi cúng xong, trâu được cho ăn cỏ và xát muối vào mồm trâu vì sau khi làm lễ bó khoăn khoai, gia chủ sẽ đưa trâu lên rừng để trâu tự kiếm ăn, đỡ công phải chăm sóc trong lúc nông nhàn. Việc xát muối vào mồm để trâu nhớ đường mà về nhà, không được đi lạc vào nhà khác. Việc chỉ cho ăn cỏ lau và cỏ gianh vì khi vào rừng có rất nhiều loại cỏ khác nhau và trong đó không thiếu những loài cỏ độc. Cho ăn 2 loại cỏ này để trâu nhớ mà ăn.

Sau đó gia chủ thắp nến sáp ong và gắn lên sừng trâu với ý nghĩa sẽ soi sáng đường cho trâu, trên đường đi không gặp phải hổ dữ và vướng vào vực sâu. Điều này phản ánh nỗi sợ hãi sâu xa của người nông dân miền núi do trước kia rừng thiêng, nước độc, các loài thú dữ nhiều vô kể. Một điều khác so với việc cúng vía trâu ở các nơi khác là trâu hôm sau mới được thả vào rừng còn ở thị xã Mường Lay, sau khi cúng xong  trâu được gia chủ dắt ngay vào rừng để tự kiếm ăn. Một tuần một lần gia chủ phải vào rừng để kiểm tra trâu nhà mình...
Nguồn: http://manghoidap.vn/Le-Bo-khoan-khoai-Dien-Bien-12669.html

Không có nhận xét nào :

Đăng nhận xét